Những khó khăn mà nhà tuyển dụng thường gặp phải khi tuyển dụng trực tuyến. (Phần 2)
Những khó khăn mà nhà tuyển dụng thường gặp phải khi tuyển dụng trực tuyến. (Phần 2)
Chất lượng phỏng vấn trực tuyến
Do chỉ tiếp cận ứng viên qua các thiết bị như điện thoại, laptop nên phỏng vấn phải phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ. Nhà tuyển dụng sử dụng các phần mềm gọi điện miễn phí như Google Meeting, Zoom… để phỏng vấn online, thường gặp phải rủi ro đường truyền không ổn định dẫn đến ảnh hưởng chất lượng phỏng vấn.
Việc tương tác với các ứng viên thông qua tuyển dụng trực tuyến cũng phần nào hạn chế hơn phỏng vấn trực tiếp. Có những kỹ năng hay bài kiểm tra năng lực rất khó để thực hiện online. Phỏng vấn online khó đánh giá ứng viên ở những vị trí công việc có yêu cầu liên quan đến ngoại hình.
Chi phí tuyển dụng
Tuyển dụng nhân sự thường cần chi trả một chi phí nhất định cho việc đăng tin tuyển dụng lên website. Mỗi đợt tuyển dụng, bộ phận tuyển dụng chỉ được phép sử dụng một khoản ngân sách đã được cấp trên định sẵn. Chính vì thế, làm sao tuyển dụng hiệu quả mà vẫn đảm bảo chi phí trong mức cho phép luôn là bài toán khó. Nhiều doanh nghiệp phải tốn không ít tiền, thậm chí vượt quá ngân sách mới tìm đủ ứng viên phù hợp.
Việc làm sao để vừa cân đối được ngân sách vừa đem về được nhân sự cho công ty kịp deadline vì vậy mà luôn là bài toán khó trong công việc tuyển dụng trực tuyến.
Thị trường lao động cạnh tranh
Thách thức lớn nhất hiện nay khi tuyển dụng trực tuyến có lẽ là làm sao để thu hút được ứng viên về với doanh nghiệp khi mà thị trường luôn có hàng trăm ngàn doanh nghiệp đối thủ cùng săn lùng ứng viên.
Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một thương hiệu uy tín về chất lượng dịch vụ lẫn đội ngũ nhân viên. Bởi chính nhân viên là những người cùng nhau tạo nên sự thành công cho một doanh nghiệp.
Bỏ qua ứng viên tiềm năng
Ứng viên tiềm năng là những ứng viên phù hợp với nhu cầu, văn hóa của doanh nghiệp bạn nhưng tại thời điểm đó, chưa có vị trí trống cho họ. Hoặc là những người đã gửi CV đúng thời điểm nhưng bị nhà tuyển dụng vô tình bỏ qua do quá trình lọc CV chưa kỹ lưỡng. Những ứng viên tiềm năng sẽ được lưu lại để tận dụng cho những lần tuyển dụng tiếp theo.
Tuy nhiên, rất nhiều nhà tuyển dụng bỏ lỡ hoàn toàn những ứng viên này do không có công cụ lưu trữ thông tin. Khi có vị trí cần tuyển dụng lại mất nhiều thời gian, chi phí và nguồn lực để tìm kiếm, phỏng vấn và đánh giá ứng viên tiềm năng khác. Do tất cả lại quay vòng từ đầu, việc này gây ra sự lãng phí tiền bạc, thời gian và cả nhân lực.
Quên gửi email thông báo cho ứng viên
Chắc hẳn ai từng làm nhân sự cũng từng rơi vào trường hợp quên không gửi email xác nhận cho ứng viên, thông báo thời gian phỏng vấn hay cần chuẩn bị những hồ sơ gì. Lý do có thể do quá nhiều hồ sơ hoặc đang mất tập trung. Điều này khiến ứng viên cảm thấy doanh nghiệp bạn làm việc thiếu chuyên nghiệp và có ấn tượng xấu với doanh nghiệp. Ngay cả khi đây là một nhân tố tiềm năng và đỗ phỏng vấn, đây cũng có thể là một lý do khiến ứng viên từ chối nhận việc.
Bên cạnh đó, ngay cả khi ứng viên không vượt qua vòng phỏng vấn bạn cũng cần gửi email thông báo đến họ. Điều này giúp họ tiết kiệm thời gian chờ đợi và có cơ hội đi tìm kiếm công việc mới.
Có thể thấy, tuyển dụng trực tuyến vẫn đang là bài toán khó với các nhà tuyển dụng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phải nắm thật rõ các hạn chế, khó khăn trong công tác tuyển dụng cùng cách để khắc phục, từ đó tìm kiếm được những nhân tài xuất sắc, phù hợp nhất.