Cách thể hiện bản thân ấn tượng với nhà tuyển dụng khi tham gia bài phỏng vấn. (Phần 2)

Cách thể hiện bản thân ấn tượng với nhà tuyển dụng khi tham gia bài phỏng vấn. (Phần 2)

22/06/2022 Lượt xem 365

5. Sơ lược về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân

Con người luôn có điểm mạnh và yếu nhất định. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy điểm mạnh của bạn sẽ đem lại thuận lợi gì cho công việc. Ngược lại, điểm yếu của bạn là những vấn đề hoàn toàn có thể được khắc phục.Việc trình bày điểm mạnh và điểm yếu của bản thân giúp cho nhà tuyển dụng đánh giá được bạn có thực sự phù hợp với công việc hay không. Do đó, bạn cần hiểu rõ những điểm mạnh - yếu của bản thân và trình bày ngắn gọn, cụ thể cho nhà tuyển dụng nắm được những tiềm năng và hạn chế trong bạn.

Đây được xem là phần khá cần thiết cho những ứng viên trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc. Bởi lẽ, nhà tuyển dụng có thể cân nhắc và đánh giá khách quan hơn về mức độ phù hợp của bạn với công việc.

Điểm mạnh cần ngắn gọn, nêu lên được ý chính và những điểm nổi bật bạn muốn nhắc đến. Sử dụng từ ngữ đơn giản và sắp xếp câu chữ mạch lạc để tránh việc câu văn bị lủng củng gây khó hiểu. Hơn thế nữa, bạn nên trung thực và khiêm tốn khi giới thiệu về bản thân cho nhà tuyển dụng thấy được tác phong chuyên nghiệp.

6. Sơ lược về mục tiêu ngắn hạn và dài hạn

Đây là phần giúp nhà tuyển dụng đánh giá được ứng viên có mong muốn gắn bó lâu dài với công ty không, hay chỉ muốn học tập và trau dồi thêm kinh nghiệm làm việc rồi nhảy việc. Vì vậy, việc sơ lược về mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bạn được nhà tuyển dụng khá quan tâm. Một nhân viên không có mục tiêu rõ ràng trong công việc thường sẽ đem lại hiệu quả làm việc không cao.

Bạn nên xác định rõ những mục tiêu ngắn hạn cũng như mục tiêu dài hạn của bản thân. Ngoài việc vạch rõ đường hướng phát triển cho bản thân, thì nó còn để nhà tuyển dụng thấy được sự chuyên nghiệp và tầm nhìn của bạn khi luôn có những định hướng rõ ràng cho tương lai.

Để tạo được thiện cảm với nhà tuyển dụng, trong suốt quá trình phỏng vấn, bạn nên luôn mỉm cười và trình bày chậm rãi, rõ ràng, thể hiện được sự thân thiện và chân thành khi nói.

7. Nguyện vọng với vị trí làm việc

Thông qua những nguyện vọng về vị trí việc làm như môi trường làm việc, lương thưởng, và cơ hội thăng tiến... nhà tuyển dụng sẽ cân nhắc chọn lựa được ứng viên phù hợp với định hướng phát triển của công ty. Vì lẽ đó, bạn cần thể hiện rõ cho nhà tuyển dụng thấy những nguyện vọng với vị trí làm việc cũng như mong muốn được tuyển dụng và làm việc tại công ty lâu dài. Bạn cũng không nên e ngại đề xuất số lương mong muốn nếu được hỏi. Thuận mua vừa bán. Nếu công ty không thể đáp ứng những nguyện vọng tối thiểu, bạn có thể từ chối công việc này và tìm kiếm cơ hội khác.

8. Lời cảm ơn sau khi hoàn thành bài giới thiệu

Lời chào khi bắt đầu và kết thúc rất quan trọng. Để kết thúc bài phỏng vấn một cách ấn tượng và chuyên nghiệp, bạn nên gửi lời cảm ơn đến nhà tuyển dụng vì đã lắng nghe. Bằng cách này, bạn vừa có thể kết thúc không khí căng thẳng không quá đơn điệu mà còn có thể ghi điểm lịch sự trong mắt nhà tuyển dụng. Vì vậy, đừng quên gửi lời cảm ơn sau khi hoàn thành bài phỏng vấn của bản thân.

Hành trình tìm việc luôn gian nan và nhiều thách thức. Điều này đòi hỏi các ứng viên một tinh thần vững vàng, thái độ tự tin, chuyên nghiệp và cả một sự chuẩn bị kỹ càng từ trước. Chúc các bạn phỏng vấn thành công.