Cách thể hiện bản thân ấn tượng với nhà tuyển dụng khi tham gia bài phỏng vấn (Phần 1)

Cách thể hiện bản thân ấn tượng với nhà tuyển dụng khi tham gia bài phỏng vấn (Phần 1)

22/06/2022 Lượt xem 365

Các bạn ứng viên thường sẽ có tâm lý lo lắng trước khi tham gia một buổi phỏng vấn. Bởi để gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng, không chỉ là phải trả lời đúng các câu hỏi được đặt ra, bạn còn cần chuẩn bị một phần giới thiệu bản thân thu hút được sự chú ý của nhà tuyển dụng. Hãy cùng Golden Careers tìm hiểu về cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn sao cho thật hay và ấn tượng nhé.

1. Lời cảm ơn dành cho nhà tuyển dụng

Lời chào cao hơn mâm cỗ. Trước khi bắt đầu giới thiệu bản thân, bạn nên gửi một lời cảm ơn chân thành đến nhà tuyển dụng đã cho bạn cơ hội tham gia buổi phỏng vấn. Điều này sẽ khiến cho họ thấy được tôn trọng và dành cho bạn nhiều lời đánh giá tích cực. Ngoài ra, việc gửi lời cảm ơn trước khi bắt đầu buổi phỏng vấn sẽ tạo được cảm giác cho nhà tuyển dụng rằng bạn là một ứng viên lịch sự, chuyên nghiệp và đáng tin cậy.

2. Giới thiệu đầy đủ thông tin cá nhân

Mặc dù bạn đã liệt kê những thông tin này trong CV nhưng với khối lượng ứng viên lớn thì nhà tuyển dụng không thể nhớ hết thông tin của từng người. Do đó, bạn không thể bỏ qua phần giới thiệu tên, tuổi. Bởi không ai muốn trong cả buổi nói chuyện mà vẫn không biết tên họ của đối phương là gì. Do vậy, hãy giới thiệu thật đầy đủ trước khi giới thiệu chi tiết về các kỹ năng, học vấn và những yếu tố khác.

Khi giới thiệu tên tuổi sẽ giúp cho việc xưng hô giữa nhà tuyển dụng và bạn trở nên dễ dàng, thoải mái hơn. Cũng như giúp cho nhà tuyển dụng biết được những thông tin cơ bản về ứng viên của mình. Ví dụ, tuổi 21 - 22 là những bạn mới ra trường, kinh nghiệm non nớt; trên 30 tuổi là những người đã đi làm nhiều năm…
Bạn nên giữ bình tĩnh, thái độ tự tin cùng ánh mắt luôn nhìn thẳng về phía nhà tuyển dụng, tránh việc liếc mắt nhiều nơi khác. Nếu được, bạn nên kết hợp với ngôn ngữ cơ thể thay về vì ngồi im để cho phần trình bày của bạn thêm phần sinh động và không đơn điệu.

3. Giới thiệu trình độ học vấn, chuyên môn

Mặc dù những thông tin về trình độ học vấn, chuyên môn của bạn cũng đã được đề cập đến trong CV. Tuy nhiên, khi bạn nhắc lại cũng sẽ phần nào giúp cho nhà tuyển dụng lưu ý hơn về thông tin của bạn. Đặc biệt, những điểm sáng trong CV của bạn sẽ khó mà gây được chú ý như khi bạn nói trực tiếp ra. 
Ngoài ra, có thể trên CV bạn đã không trình bày hết được những điểm nổi bật, thì đây cũng chính là cơ hội cho bạn thể hiện trình độ cũng như chuyên môn của bản thân nhằm gây được ấn tượng và sự ghi nhớ của nhà tuyển dụng. 

4. Kinh nghiệm làm việc

Kinh nghiệm làm việc chính là một trong những mục mà nhà tuyển dụng rất quan tâm, vì vậy bạn nên chọn lọc những kinh nghiệm có thể đáp ứng cho vị trí công việc ứng tuyển. Hạn chế việc trình bày tất cả, điều đó sẽ làm cho nhà tuyển dụng không thể nắm được nội dung chính mà bạn muốn truyền đạt hoặc sẽ bị loãng khi có quá nhiều thông tin được trình bày.

Khi trình bày, bạn cần giữ được sự bình tĩnh, tự tin và khéo léo. Chú ý nhấn mạnh những kinh nghiệm, bài học có liên quan đến công việc mà bạn đang ứng tuyển để tạo nên sự nổi bật trong phần giới thiệu của mình.