Nên làm gì khi phát hiện ra sếp tăng lương cho đồng nghiệp mà bỏ qua bạn?

Nên làm gì khi phát hiện ra sếp tăng lương cho đồng nghiệp mà bỏ qua bạn?

06/06/2022 Lượt xem 38

Tại nhiều công ty, mức lương ít được công bố và ít nhân viên nào biết mức lương của nhân viên khác. Bỗng một ngày bạn phát hiện ra rằng đồng nghiệp được trả lương cao hơn cho một công việc tương tự như bạn đang làm? Bên cạnh việc phàn nàn và dằn vặt khi biết rằng cuộc sống không công bằng, bạn có thể làm gì? Im lặng và chịu ấm ức liệu có phải là lựa chọn đúng đắn?

Tuy nhiên, điều bạn cần phải làm là gạt bỏ các cảm giác này và mục tiêu cần đạt được là tăng lương. Bạn hoàn toàn có thể sắp xếp một buổi đàm phán lại lương với cấp trên và trình bày cho họ hiểu những suy nghĩ và nguyện vọng của bạn. Để có được mức lương như mong muốn, đừng quá nôn nóng mà hãy bình tĩnh và ghi nhớ một số lưu ý sau đây.

Giữ bình tĩnh và không để ai biết bạn đang nghĩ gì

Có nhiều lý do khiến bạn được trả một mức lương thấp hơn so với đồng nghiệp, chẳng hạn như: bạn không chứng minh được năng lực của mình, bạn deal lương bị hớ từ khi ký hợp đồng, bạn ít kinh nghiệm hơn so với đồng nghiệp khi được nhận vào công ty…

Tiền lương là một vấn đề nhạy cảm đối với tất cả mọi người. Và lý do mà một số người được trả lương cao hơn trong khi những người khác nhận mức lương thấp hơn không phải lúc nào cũng có thể định lượng được.

Do đó, đừng quá nóng giận hay hành động gì ngay thời điểm bạn phát hiện ra chuyện chênh lệch. Đừng đưa ra quyết định nhất thời. Và cũng không nên chống đối lại ai. Cảm xúc là vậy, nhưng bạn phải hướng về phía trước. Bạn cần thay đổi cách bạn tự vấn bản thân mình trong những trường hợp này.

Suy nghĩ thật kỹ

Hãy đứng trên phương diện của sếp bạn để hiểu xem tại sao lại ra quyết định trả lương cao hơn cho đồng nghiệp. Song song đó, bạn cũng phải nghĩ về năng lực của mình, hiệu quả trong công việc và đóng góp cho công ty. Từ đó bạn có thể xem xét mức lương của mình có tương ứng với các yếu tố này không. Nếu câu trả lời là có, bạn đã rõ và không cần lăn tăn gì thêm. Nếu ngược lại, bạn phải trao đổi ngay với sếp. Sau đó hãy thận trọng và lựa chọn thời điểm thích hợp để tiến hành đàm phán lương.

Giữ bí mật khi đàm phán

Nếu bạn quyết định giải quyết vấn đề chênh lệch lương, bạn nên gặp mặt quản lý một cách bí mật và cẩn thận. Sếp có thể cho rằng bạn là người gây rắc rối hoặc nhân viên có vấn đề nếu bạn gây xôn xao về lương thưởng trong văn phòng. Điều đó đặc biệt đúng nếu bạn đưa các nhân viên khác vào cuộc thảo luận.
Bạn không nên nói với sếp bằng cách nào bạn biết được sự chênh lệch này do lương là vấn đề cá nhân, bảo mật và nhạy cảm chốn công sở. Thêm vào đó, bạn cũng không nên tiết lộ kế hoạch đàm phán này cho đồng nghiệp nào biết để tránh gây mâu thuẫn nội bộ doanh nghiệp.

Chứng tỏ rằng bạn đáng được tăng lương

Hãy thể hiện giá trị của bạn để thành công khi yêu cầu tăng lương. Trước khi hỏi về mức lương, hãy đảm bảo rằng năng lực, hiệu suất làm việc của bạn không hề kém đồng nghiệp. Nếu không, sếp của bạn có thể chỉ ra sự khác biệt giữa năng lực của bạn với đồng nghiệp được trả lương cao hơn. Nếu muốn nhận mức lương cao hơn, bạn cần phải thể hiện rõ rằng mình xứng đáng. Điều này sẽ trở thành những bằng chứng để bảo vệ cho luận điểm “tôi muốn được hưởng mức lương công bằng” của bạn. 

Cân nhắc về một công việc mới

Nếu bạn tin rằng mức lương mà bạn được trả đang không xứng đáng với giá trị mà bạn mang đến cho công ty và sếp không muốn tăng lương để giữ lại bạn, hãy tìm một công việc thay thế. Tuy nhiên, bạn cần cẩn thận và thực hiện điều này một cách bí mật. Nghỉ việc khi chưa tìm được việc mới có thể khiến bạn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thời gian tìm kiếm và tham gia phỏng vấn tìm kiếm công việc mới có thể kéo dài khiến bạn mất đi nguồn thu nhập đều đặn vốn có.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng công bằng với người xứng đáng. Tương tự, các cuộc thảo luận về tiền lương không phải lúc nào cũng thoải mái hay dễ dàng. Nhưng nếu bạn xử lý chúng một cách cẩn thận và khéo léo, bạn sẽ có thể nhận được những gì xứng đáng.