9 Quy tắc ngầm chốn công sở không-một-ai nói cho bạn biết!

9 Quy tắc ngầm chốn công sở không-một-ai nói cho bạn biết!

22/11/2021 Lượt xem 42

Có những điều là “luật bất thành văn” mà chỉ những nhân viên “kỳ cựu” trong doanh nghiệp mới lĩnh hội được. Còn những bạn trẻ vừa ra trường hay mới gia nhập lực lượng lao động chưa chắc đã biết được những quy tắc ngầm chốn công sở này.

1. Đừng bao giờ nói: "Đây không phải việc của tôi"

Quy tắc ngầm chốn công sở

Đừng trở thành kẻ lười biếng trong mắt cấp trên

Đương nhiên ai cũng chỉ muốn làm đúng những công việc chuyên môn của mình. Và mọi người thường lo lắng rằng một khi đã nhận những công việc không tên thì sau này cấp trên càng có cớ “ép” họ làm nhiều việc hơn. Bởi vậy, rất nhiều người đã thẳng thừng từ chối: “Đây không phải việc của tôi” khi được giao một công việc không liên quan.

Tuy nhiên, một khi bạn cũng lặp phải sai lầm đó, mọi cơ hội công việc và thăng tiến của bạn trong doanh nghiệp cũng khép lại. Vì một khi bạn nói ra điều đó, cấp trên sẽ đánh giá ngay bạn là một người lười biếng và không có tư duy cầu thị. Họ sẽ không ngần ngại trao đi cơ hội cho những nhân sự khác dám chấp nhận thử thách.

2. Đừng bao giờ từ bỏ đồng đội

Người ta đã nói: "Muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi xa thì đi cùng nhau". Nếu như bạn từ bỏ những công việc tập thể, xa rời các đồng nghiệp của mình thì đến một lúc nào đó chính bạn sẽ là người bị cô lập. Đừng bao giờ coi đồng đội của mình là những đối thủ cạnh tranh, mà phải coi họ như là những người bạn đồng cam cộng khổ cùng mình. Bây giờ, bạn giúp đỡ họ, hỗ trợ họ, thì sẽ có lúc họ sẵn sàng hỗ trợ bạn lúc khó khăn.

3. Phải biết nắm bắt cơ hội cho bản thân

Không có ai mãi mãi gặp khó khăn, trở ngại, chỉ có người không biết nắm bắt cơ hội cho bản thân trong những cái khó mà thôi. Thông thường, cấp trên sẽ chỉ giao phó việc khó, việc quan trọng cho những ai họ tin tưởng và thân thuộc. Nếu như bạn muốn có cơ hội để thăng tiến thì đừng ngần ngại “tranh việc” của người khác.

Quy tắc ngầm chốn công sở

Cơ hội không tự đến với bạn, bạn phải tự nắm bắt nó

Bạn có thể đứng ra đề xuất điều phối một dự án quan trọng, hoặc ngỏ lời muốn được hỗ trợ những nhân sự khác trong dự án của họ. Dù bằng cách nào thì đó cũng là cách để bạn tiếp cận được những cơ hội tuyệt vời trong công việc.

4. Nhất định phải tạo ra thành tích chứ đừng chỉ chăm chỉ

Chăm chỉ là tốt. Nhưng nếu chỉ chăm chỉ không thôi thì bạn sẽ trở thành một nhân sự vô cùng mờ nhạt, chẳng có ai quan tâm đến bạn cả. Và bạn nhiều khi sẽ được giao rất nhiều công việc yêu cầu sự chăm chỉ. Khối lượng công việc dành cho bạn sẽ ngày càng tăng mà không hẳn là cơ hội hay thử thách để bạn đạt được những tầm cao mới. Bởi vậy, bên cạnh việc chăm chỉ, hãy tìm các tạo ra thành tích trong công việc để có được sự tín nhiệm của cấp trên nhé!

5. Đừng trình bày khó khăn, phải đưa ra giải pháp

Cấp trên ghét nhất là nghe trình bày dông dài mà chẳng có giải pháp nào. Nên nhớ, công ty thuê bạn về là để giải quyết những rắc rối mà họ không thể tự giải quyết được. Vậy nếu bạn cũng không có được giải pháp nào mà lại trình bày lại rắc rối mà họ vẫn gặp thì sao? Đương nhiên là bạn sẽ không còn được tín nhiệm nữa mà chỉ trở thành một “gánh nặng” cho doanh nghiệp mà thôi.

6. Không được đổ tội cho hoàn cảnh

Trước bất cứ thất bại nào, cho dù có phải lỗi của bạn hay không, đứng ra nhận trách nhiệm và tìm kiếm giải pháp để xử lý tình huống luôn là điều quan trọng nên làm. Điều đó cho thấy bạn là một người rất tích cực trong công việc và sẽ luôn có những sáng kiến hay ho. Cấp trên sẽ mong muốn nhân sự của mình tích cực như vậy chứ không phải những người chỉ luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh và tìm cách thoái lui.

7. Đừng về đúng giờ

Quy tắc ngầm chốn công sở

Quy tắc ngầm chốn công sở ai cũng phải biết

Cho dù trong hợp đồng đã ghi rõ giờ làm việc là từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều thì không có nghĩa là bạn nên đứng dậy ra về lúc 5 giờ. Thực tế, đây là một quy tắc ngầm chốn công sở thường gặp ở các công ty châu Á. Kể cả khi đã hết giờ làm, bạn đã làm xong việc của mình rồi thì cũng không nên đứng dậy ra về. Hãy quan sát xem còn có ai ngồi lại văn phòng. Nếu như cấp trên vẫn còn bận rộn với công việc thì bạn không nên bỏ về trước. Hãy nán lại đôi chút cho đến khi có vài người dọn đồ về thì bạn cũng đứng lên ra về theo họ.

8. Không bao giờ được phép tọc mạch

Chuyện công sở vô cùng phức tạp. Một câu chuyện đơn giản luôn được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau và khi được truyền miệng thì 1 hoàn toàn có thể biến thành 100. Nếu bạn không muốn trở thành “nguồn cơn” của những thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của người khác thì tốt nhất hãy biết “giữ mồm giữ miệng”.

9. Luôn email hoặc gửi tin nhắn cho nhóm chung

Cũng tương tự như trên, một ý khi được truyền đạt theo dây chuyền thì rất dễ bị hiểu sai và bạn có thể trở thành người gánh chịu mọi hậu quả. Tốt hơn hết là khi có gì quan trọng, hãy gửi email và cc cho tất cả mọi người trong nhóm, hoặc nhắn tin vào nhóm chung có tất cả các nhân sự để mọi người cùng nắm bắt được chính xác một thông tin.

Nói chung, muốn có một sự nghiệp thăng tiến bền vững và có được sự tín nhiệm, tôn trọng từ phía đồng nghiệp, bạn nhất định phải nắm vững những quy tắc ngầm chốn công sở chứ không phải chỉ có chăm chỉ rèn luyện kỹ năng chuyên môn của mình. Bởi vì cơ hội sẽ chỉ đến ngay với những ai có sự tinh tế, linh hoạt và nhạy bén mà thôi.