Những cách giúp nhà tuyển dụng “mặc cả” thành công với ứng viên trong cuộc đàm phán lương.

Những cách giúp nhà tuyển dụng “mặc cả” thành công với ứng viên trong cuộc đàm phán lương.

06/06/2022 Lượt xem 48

Đàm phán lương là sự thống nhất trong thỏa thuận giữa 2 phía nhà tuyển dụng và ứng viên trúng tuyển. Tuy nhiên, đàm phán lương không phải là việc đơn giản, đòi hỏi nhà tuyển dụng cần có kế hoạch cẩn thận, chiến lược đa dạng. Quy trình deal lương hiệu quả giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí tuyển dụng nhân sự, ứng viên của bạn cũng cảm thấy được đánh giá cao và trả giá xứng đáng. 

Điều quan trọng cần ghi nhớ khi tham gia một buổi phỏng vấn, hay cụ thể hơn là một buổi thỏa thuận về lương thưởng cùng ứng viên là gì? Những tips sau đây chắc chắn sẽ là gợi ý hiệu quả dành cho bạn cũng như chính doanh nghiệp của mình.

Thiết lập hạn mức chi trả tối đa và khung lương

Đối với mỗi vị trí tuyển dụng, hãy định hướng thật cụ thể và lên từng khung lương chi tiết, đảm bảo rằng bạn sẽ luôn có sẵn những mức thấp hơn, cao hơn con số trung bình để ứng biến linh hoạt trong buổi đàm phán lương. Bởi rất có thể bạn sẽ nhận được những ứng viên chênh lệch tiêu chuẩn kỳ vọng. Ngoài ra, mức đề nghị thấp nhất của bạn cần phù hợp với tiêu chuẩn chung của ngành và đủ sức hấp dẫn trong mắt ứng viên. Đây không thể là một con số quá thấp, điều này sẽ khiến các ứng viên bỏ chạy và cho rằng doanh nghiệp bạn chỉ có thể chi trả trong một phạm vi tài chính nghèo nàn.

Khi giao nhiệm vụ tuyển dụng cho bạn, cấp trên chắc chắn sẽ giới hạn ngân sách và ngoài mức lương tối đa bạn cần lưu ý cả những phụ phí phát sinh trong quá trình tuyển dụng để không bị thâm ụt ngân sách của doanh nghiệp.

Công khai minh bạch

Ứng viên luôn muốn nhận được một con số rõ ràng, cho biết họ đáng giá bao nhiêu để cân nhắc xem đây có phải là công việc phù hợp, doanh nghiệp có thể gắn bó lâu dài. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng phàm bất kỳ vấn đề nào liên quan đến tiền bạc thì luôn phức tạp hơn chúng ta nghĩ. Làm cách nào bạn giải quyết yêu cầu này từ ứng viên mà vẫn tuân theo những ràng buộc với công ty về mặt tài chính? 

Bạn có thể cung cấp cho ứng viên một con số trung bình. Mức chi trả trung bình cho vị trí đang tuyển dụng hoặc tương đương hiện đang chi trả cho nhân viên. Trong trường hợp ứng viên yêu cầu cung cấp quá nhiều thông tin nội bộ, bạn nên đổi hướng sang chủ đề khác một cách khéo léo.

Đặt yếu tố con người lên hàng đầu

Làm sao để thu hút sự quan tâm của ứng viên trước khi chính thức bắt đầu buổi đàm phán lương? Đó chính là hiểu được điều gì quan trọng đối với họ, có thể là lương thưởng, ngày nghỉ phép, hỗ trợ sức khỏe, văn hóa công ty, nhân viên được làm việc linh hoạt… Chìa khóa ở đây là tạo ra một combo phúc lợi mà cả doanh nghiệp và người tài đều cảm thấy hài lòng. 

Rất nhiều nghiên cứu cho thấy yếu tố con người tác động rất lớn đến sự thành công của tổ chức, được xem như một nguồn sức mạnh tiềm ẩn của mọi doanh nghiệp. Sự thật, tìm hiểu nhu cầu của ứng viên không chỉ là cách giúp bạn thu hút nhân tài bước đầu, mà còn góp phần giữ chân họ gắn bó lâu dài với công ty, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững. Nếu nhân viên cảm thấy họ bị coi thường, đối xử bất công, họ sẽ đưa ra những review không tốt gây ảnh hưởng đến danh tiếng hoặc tệ hơn là kéo nhau nghỉ việc cùng lúc gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Phân chia cơ cấu tiền lương cho ứng viên hiểu

Nhà tuyển dụng cần thông báo toàn diện về tiền lương của ứng viên, bao gồm: tiền lương cố định, lương thưởng, tiền thưởng và hoa hồng, phụ cấp và trợ cấp, bảo hiểm… Ngoài ra, họ cũng nên hỏi ứng viên xem mức lương mà anh ta có thể nhận được trước thuế hoặc sau thuế. Khi ứng viên đưa ra kỳ vọng về mức lương cao hơn, bộ phận nhân sự có nhiệm vụ bóc tách cơ cấu lương ra một cách dễ hiểu, tập trung vào phần cố định. Thông thường, phần cố định của mức lương chính là điểm mấu chốt mà ứng viên có thể chấp nhận.

Bằng cách hiểu rõ mình và đối phương, HR có thể chủ động trong quá trình đàm phán lương và giảm bớt tâm lý mong đợi của ứng viên.

Tuyển dụng được ứng viên như ý, phù hợp với các tiêu chí của doanh nghiệp là điều không hề dễ dàng với nhà tuyển dụng. Đặc biệt, giai đoạn đàm phán lương lại càng là bài toán khó. Hãy trở thành một nhà cố vấn part time, nhanh chóng hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc từ người tài của bạn. Thay vì bước vào cuộc đàm phán căng thẳng, hãy biến nó thành buổi trò chuyện và cùng nhau đi đến những thỏa thuận có lợi nhất cho cả 2 bên. Chúc các bạn thành công.