Đau đầu chuyện deal lương: phải làm sao để bạn không bị nhà tuyển dụng “dắt mũi”?

Đau đầu chuyện deal lương: phải làm sao để bạn không bị nhà tuyển dụng “dắt mũi”?

24/05/2022 Lượt xem 1

Bất kể tình trạng của thị trường tuyển dụng như thế nào, bạn hãy luôn thực hiện chiến lược đàm phán để đạt được mức lương phù hợp. Có một công việc mới hoặc thăng chức mới là cơ hội tuyệt vời để bạn đàm phán mức lương của mình – cơ hội mà không phải lúc nào cũng có được. Nhiều người thường ít khi đàm phán lại về các khoản điều khoản liên quan đến lương thưởng của họ và bị thiệt thòi.

1. Tiến hành khảo sát trước khi đàm phán

Nhà tuyển dụng đặt mức lương cho bạn dựa theo khoản lương mà họ đang trả cho những người khác ở vị trí tương tự và những gì mà đối thủ cạnh tranh của họ cũng đang làm. Họ cũng có thể có một ngân sách nhất định hoặc khoản lương đã được quy định từ trước. Thông tin chính là sức mạnh giúp bạn chiến thắng cuộc đàm phán.

Do đó, bạn càng biết nhiều, cơ hội để bạn nắm giữ mức lương mơ ước sẽ càng cao. 

Hãy thực hiện một số tìm kiếm thông tin về công ty cũng như những khoản lương được công bố trên Internet. Nguồn tin như Facebook cũng hữu ích để tiếp cận những thông tin về mức lương ở công ty bạn ứng tuyển. Sau đó hãy so sánh các nguồn thông tin với nhau. Đừng chỉ dựa trên một nguồn thông tin duy nhất.

Sử dụng những thông tin bạn có được để thiết lập mức lương bạn kỳ vọng cho vị trí ứng tuyển. Nhà tuyển dụng sẽ hỏi về mức lương cơ bản bạn mong muốn. Nếu được hỏi, hãy trả lời một cách thành thật nhất. Nhà tuyển dụng luôn muốn biết liệu mức lương bạn muốn có nằm trong phạm vi chi trả của họ để không phải mất thời gian cả đôi bên. Nếu bạn là ứng viên hàng đầu họ tìm kiếm, nhà tuyển dụng sẽ sẵn sàng cân nhắc về các con số để có được bạn cho vị trí này. 

2. Deal lương khi offer quá thấp

Nếu con số nhà tuyển dụng đưa ra thấp hơn kỳ vọng ban đầu của bạn, đừng tiếc nuối mà hãy thẳng thắn nói không. Hãy khéo léo giải thích nguyên nhân tại sao bạn xứng đáng được hưởng mức lương cao hơn. Ngay cả khi bạn hài lòng với mức offer đầu tiên, hãy lựa chọn thương lượng ở các khía cạnh khác của công việc. Hầu hết các nhà tuyển dụng đều chuẩn bị rằng bạn sẽ có những yêu cầu khác ngoài lương. Do đó, nếu bạn không thương lượng, bạn sẽ bỏ lỡ những cơ hội tuyệt vời. Và cuối cùng người chịu thiệt sẽ là bạn. 

3. Đừng chỉ tập trung vào bản thân

Trong suốt quá trình thương lượng, hãy chú ý hướng tiếp cận của bạn với nhà tuyển dụng. Đừng biến mình trở thành một người chỉ biết đòi hỏi. Thay vào đó, hãy thể hiện rằng bạn đang cố gắng tìm giải pháp để đáp ứng nhu cầu của cả đôi bên. Hãy sử dụng những ngôn từ tích cực, chứng tỏ bạn vẫn cởi mở chấp nhận những đề nghị khác ngoài những đề nghị từ bạn. 

Hầu hết chúng ta đều mắc phải sai lầm khi đàm phán cho mức lương của mình, thay vì cho công việc mình ứng tuyển. Hãy nghĩ về những khía cạnh khác khiến công việc ứng tuyển tuyệt vời hơn: cơ hội thăng tiến, cơ hội phát triển bản thân, các mối quan hệ… Sau đó, hãy đàm phán với nhà tuyển dụng về những khía cạnh ngoài tiền lương này. Một khi bạn đã nhận việc, sẽ rất khó để thương lượng về những yếu tố cơ bản trên. 

Lưu ý:

Nên:

- Hãy hợp lý và trung thực với bản thân và nhà tuyển dụng về mức lương bạn mong muốn cho công việc.

- Đưa ra những giải pháp có thể đáp ứng nhu cầu của cả đôi bên.

Không Nên:

- Chỉ đàm phán về tiền lương, bỏ qua các khía cạnh khác. 


- Chấp nhận offer ban đầu ngay cả khi bạn không có các lựa chọn thay thế.


- Đàm phán lương với một thái độ yêu sách.
 
Lời khuyên quan trọng nhất dành cho bạn đó là hãy chuẩn bị sẵn những lựa chọn thay thế khi bạn bắt đầu thương lượng mức lương với nhà tuyển dụng đầu tiên. Trong thời kỳ ứng viên đầy ắp, nhà tuyển dụng sẽ lựa chọn người có khả năng làm việc tốt. Nếu bạn là người có năng lực, đừng lo ngại việc không có được công việc với mức lương tương xứng. Chúc các bạn thành công.