Cách đàm phán tăng lương hiệu quả và thuyết phục.

Cách đàm phán tăng lương hiệu quả và thuyết phục.

21/05/2022 Lượt xem 69

Thông thường, người lao động sẽ có tâm lý lo lắng và đắn đo rất nhiều trước khi quyết định đề xuất tăng lương với cấp trên. Làm thế nào để gạt tâm lý ngại ngần này sang một bên, mạnh dạn yêu cầu tăng lương mà không để lại ấn tượng xấu?

Hầu hết các công ty đều có lịch xét tăng lương 6 tháng - 1 năm/ lần, nhưng phần lớn nhân sự đều ngại ngùng khi đề xuất tăng lương, để rồi từ bỏ ý định. Cũng có nhiều công ty không tăng lương định kỳ mà sẽ tăng theo hiệu suất làm việc của nhân viên.

Đàm phán tăng lương không đúng cách có thể khiến họ trở thành kẻ tự mãn trong mắt cấp trên. Nhưng việc yêu cầu nhận được những gì bạn xứng đáng không phải tự mãn. Nếu bạn muốn đề xuất tăng lương mà không biết bắt đầu từ đâu, hãy tham khảo bài viết dưới đây.

Lựa chọn đúng thời điểm

Khi nói đến thỏa thuận lương, điều quan trọng là bạn phải chọn thời điểm một cách khôn ngoan. Có những thời điểm mà bạn sẽ dễ dàng nhận được một cái gật đầu hơn.

- Khi vừa nhận được lời mời làm việc: 70% người phỏng vấn nói rằng họ chờ đợi ứng viên thương lượng mức lương khi nhận lời mời làm việc. Vì vậy, đây là thời điểm ‘vàng’ để đưa ra yêu cầu. Ngay cả khi công ty không dư dả ngân sách, yêu cầu của bạn ít khi làm mất lòng nhà tuyển dụng.

- Sau thời gian thử việc: Đây là thời gian bạn bước vào ký kết hợp đồng ràng buộc chính thức. Nếu sau thử việc bạn cảm thấy công việc này xứng đáng nhận được mức lương cao hơn thì nên đưa ra quyết định ngay trước khi đặt bút ký hợp đồng lao động. 

- Khi đang làm việc: Chọn thời điểm công ty làm ăn phát đạt hoặc khi bạn vừa có thành tích nổi bật.

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, cuối năm không phải lúc nào cũng là thời điểm tốt nhất để xin tăng lương. Bạn có thể lựa chọn những thời điểm thiên thời địa lợi khác như khi vào mùa sale, khi công ty vừa có được nhiều hợp đồng béo bở, khi công việc nhiều và bạn cần làm thêm giờ nhiều ngày mới có thể chạy kịp deadline…

Hiểu mong đợi của sếp

Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Đây là điều kiện tiên quyết. Bạn phải chứng minh cho sếp thấy mình "có giá" hơn nhiều so với mức lương hiện tại và mong sếp sẽ đối xử với nhân viên công tâm và xứng đáng. Bạn sẽ nhận được một lời hứa mà bất kỳ ai đi làm cũng mong muốn: tăng lương.

Thực hiện cách này phải thật khôn khéo. Đừng đề nghị tăng lương chỉ vì bạn đã làm việc cho công ty rất nhiều năm, tháng. Vì dù bạn có làm việc bao lâu đi chăng nữa thì công việc hiện tại luôn phải làm tốt (đó cũng chính là lý do bạn được tuyển dụng). Thay vào đó, bạn phải chỉ cho sếp thấy được bạn đang làm tốt hơn yêu cầu hoặc bạn đang tiến hành công việc một cách sáng tạo, đạt được tỷ lệ hoàn thành công việc cao hơn mức bình thường.

Đòi hỏi trong chừng mực

Bạn cần tự tin có chừng mực, tự lượng sức và đừng phóng đại khi trình bày nguyện vọng. Trước khi bước vào đàm phán, bạn nên nắm rõ con số có thể yêu cầu mà không bị xem là “quá đáng” hoặc “tham lam”. 

Để làm được điều này, bạn nên tìm hiểu rõ những vấn đề như:

- Mức lương chi trả cho vị trí tương đương (với cùng cấp bậc, lĩnh vực) ở các công ty khác ra sao?

- Tình hình tiền lương trong lĩnh vực bạn làm việc hiện đang thế nào?

- Mức lương trung bình cho các vị trí tương đương bạn trong công ty hiện là bao nhiêu?

Kinh nghiệm cho thấy chúng ta có thể yêu cầu mức tăng lương khả thi trong khoảng từ 4-7%. Mức tăng với tỷ lệ 10% chủ yếu thường xảy ra với những nhân viên xuất sắc đã có đóng góp đáng kể cho thành công của công ty.

Thay vì chỉ chú ý đến những đồng tiền kiếm được tương đương với chức danh hiện tại, hãy cố gắng tập trung vào những gì có ý nghĩa với mình. Rồi bạn sẽ thấy rằng lương của mình sẽ được tăng như một điều tất yếu, khi bạn đã chứng minh được bản thân và hoàn thành xuất sắc công việc. Trừ khi bạn đang bị công ty của mình quên lãng và đối xử chưa xứng đáng, hãy mạnh dạn lên tiếng và đòi công bằng cho chính bản thân bạn. Chúc các bạn có được mức lương như ý.